CỎ DẠI THÊNH THANG- BÙI TIỂU QUYÊN

 Lady LY28 Xin chào các bạn để bắt đầu cho một sự trở lại của mình, mình xin gửi tặng các bạn một bài giới thiệu về: “Truyện ngắn của tác giả Bùi Tiểu Quyên” . Đây cũng có thể là một tư liệu tham khảo cho những bạn muốn làm về chủ đề: “Giới thiệu một tác phẩm ngoài chương trình giải sách giáo khoa”

CỎ DẠI THÊNH THANG- BÙI TIỂU QUYÊN 

     I.          Đánh giá tổng thể (Survey):

Nói qua một chút về Tập “ Cỏ dại thênh thang” là tập truyện ngắn gồm 11 câu chuyện nhỏ giản dị về cuộc đời, thủ thỉ về phận người với những u buồn mất mát, những cuộc chia ly, những quẩn quanh mù mịt, những niềm tin le lói… ẩn sau giọng văn thủ thỉ dịu dàng của tác giả Bùi Tiểu Quyên. Tất cả đều là những câu truyện có cái kết mở, nó khiến người đọc vấn vương nhiều điều. Những u uẩn buồn thương cứ len lỏi qua từng câu chữ chị viết nhưng vượt qua chúng là những niềm lạc quan đầy khích lệ mà chị muốn gửi gắm. Giữa cuộc đời nhiều sóng gió và bon chen, một cuốn sách khiến người ta phải bước chậm lại để ngẫm nghĩ về mình, về người, về cuộc sống và thẳm sâu bên trong thật có ích.

  II.          Đặt câu hỏi (Question):

Tạo câu hỏi: Ai là nhân vật chính trong truyện?  Cuộc sống của nhân vật như thế nào?

Trong truyện ngắn cùng tên “Cỏ dại thênh thang”, nhân vật chính là một chàng trai tên Minh mang niềm đau bị mẹ ruột ruồng bỏ, quê cha vô định, đến mẹ nuôi cũng đột ngột rời xa anh không một lời từ biệt. Với tôi mà nói “Cỏ dại thênh thang” - một câu chuyện cũng nói về một ký ức, một ký ức đau đớn đã theo nhân vật từ thuở thơ ấu đến khi trưởng thành. Đan lẫn những kí ức đau đáu về nơi mình thuộc về, cả những biến cố xảy ra khiến đôi khi anh chẳng thể trụ vững mà phải tìm đến cái chết nhưng đã được người mẹ nuôi trong tâm trí cứu rỗi. Và sau này khi đã làm cha anh đã gửi những lời nhắn dành cho đứa con của mình, đó lời khuyên răn mạnh mẽ, lạc quan và đầy đạo lí để con vững bước trên đường đời thực tế. Cũng chính khi ấy anh đã đủ dũng cảm đối mặt với quá khứ, đã thấu hiểu về cội nguồn và về sự tái sinh.

III.          Đọc (Read):

a.               Đọc từng phần của truyện một cách chậm và tập trung.

b.              Ghi chú các tình huống quan trọng, đặc điểm của nhân vật và các chi tiết quan trọng khác.

HỆ THỐNG TRÌNH TỰ TỪNG NỘI DUNG CHÍNH

1)    Cảnh thực tại bức thư của Minh viết cho con trai mới chào đời của mình

2)    Gợi nhớ quá khứ :- Ngày tủi thân lúc bé => Bức thư (Hiện tại): dặn con thành người phải bảo vệ được người con yêu thương

3)    Quá khứ : Phát hiện cái chết của mẹ nuôi, sắp biết một “ sự thật” để định liệu đời người=> Bức thư (Hiện tại): dặn con phải học cách biết ơn, vị tha và mạnh mẽ bước tiếp

4)    Quá khứ: Biết được cội nguồn bản thân=>Bức thư (Hiện tại): nếu có khó khăn hãy về bên cha

5)    Nguyên nhân cái chết của mẹ=> sự giải thoát của mẹ và sự trưởng thành của con ( Minh)

6)    lời nhắn cuối dành cho con trai của mình là trở thành người hạnh phúc

*Mỗi một giai đoạn tình huống đều có sự xen kẽ của hiện thực và quá khứ. Từ những chuyện quá khứ để liên hệ đến những lời nhắn răn dạy cho con của mình khi đang ở bệnh viện của Minh

IV.          Trình bày lại (Recite):

*Kể lại (Trình bày) lại bằng ngôn ngữ của bạn và tìm cách kết nối các chi tiết với nhau.

Mở đầu là khung cảnh hiện thực được thể hiện qua bức thư chứa lời dặn của Minh với con trai của mình về con đường tương lai, cách để tồn tại được trong xã hội. Đầu tiên ông nhắc về nguồn cội của mình,  nhắc về người cha quê ở Hải Hậu người cha không bao giờ được tìm kiếm. Sau đó câu chuyện được tiếp diễn về khi nhân vật Minh gợi về quá khứ: ông là nhớ về những tủi thân lúc nhỏ. Ông nghe thấy giữa cuộc đối thoại giữa bà ngoại và mẹ, bà ngoại nói về việc cho ông đi làm nhưng mẹ ông muốn lo cho ông đi học, thế rồi bà ngoại đã chẹp miệng lên 2 từ “Nợ nghiệp”. Ông biết ngay từ khi còn nhỏ  bà ngoại không thích mình, bà chưa bao giờ hỏi ông thích ăn gì để bà nấu, những anh chị em chơi với nhau ông cũng không tha thiết gì cầu xin họ chơi với mình, an phận lụi thụi chơi. Nhưng ngay khi nghe được hai chữ ấy những tủi thân bấy lâu nay từ nhỏ cho đến lớn đã trào ra và bởi hàng giọt lệ và giọng ồm, bị vỡ đầy chua chát của tuổi 17 mới lớn. Sau đó câu chuyện lại tiếp tục trở về những lời giảng của ông đối với con trai: “con trai khi lớn lên cha mong con hãy trở thành người có trách nhiệm bảo vệ người con yêu thương, đừng bao giờ từ bỏ điều thao thức tìm kiếm,  hãy bản lĩnh đương đầu với thách thức, cha cần con có sự kiên nhẫn và bao dung rồi con sẽ hiểu rằng những giờ chúng ta nỗ lực tạo dựng sẽ luôn có quả ngọt”. Sau đó chúng ta trở về với quá khứ: đó chính là cảnh phát hiện thi thể mẹ nuôi của ông ở cuối dòng sông tranh. Ông còn nhớ vào buổi sáng ấy thấy bà mặc một chiếc áo giản dị mà thường ngày bà hay mặc để lên chợ bán, trước khi đi bà còn vui vẻ tưới rau trước nhà, mỉm cười vẫy tay chào con chó mực nhà hàng xóm. Nhưng so với hiện thực lúc này là gương mặt bà tái nhợt,  tóc ướt bết vào hai thái dương. Lúc ông biết được tin thì bỏ học giữa chừng để đi theo chú Hà vào bệnh viện, ông ôm chặt lấy mẹ và bật khóc, lúc ấy có người ngăn lại vì đuối nước kỵ người thân đụng vào nhưng lại có lời phản hồi: “ nó có phải ruột thịt gì đâu” nhưng ông không có thời gian để quan tâm thứ ấy. Nhưng đến khi về nhà, về trong căn nhà ấm áp giờ đã lạnh lẽo, lời nói đó cứ vẳn đi vẳn lại trong đầu ông “ họ nói đến ai”. Lúc đưa tang những người xóm khơi, ai cũng nhìn ông để tiếc thương từ nay đã trở thành kẻ mồ côi, ông lại nhớ cái lúc mẹ còn sống họ hay nói: “ tội nghiệp cái thằng không biết khi nào mới thấy mặt cha”, họ nói dắm dúi nhau mẹ ông nghe thấy thì nhắc khéo họ không nói nữa nhưng hay nhìn vào ông khiến ông thấy bức bối. Tiếp theo là thời điểm bà ngoại nói về nguồn gốc của ông. Bà nói về một sự thật của ông để ông có thể “định liệu cuộc đời” sau này. Phản ứng đầu tiên của ông là kinh ngạc, đơn giản vì  đây là lần đầu tiên ông thấy bà ngoại nói với giọng thâm tình, trịnh trọng mà mọi hôm đều là những tiếng thở dài không hồi kết. Rồi ông lại quay lại lời nhắn với con trai mình ông viết: “ cuộc đời không bao giờ là bằng phẳng, chúng ta phải học được sự bình tĩnh, mạnh mẽ để đi tiếp, hứa với cha sẽ học cách biết ơn tất cả mọi người mọi điều đẹp đẽ sẽ đến với mình, học cách tha thứ người khác và cho cả bản thân mình đó mới là diễm phúc của đời”. Thế rồi sau khi nghe bà ngoài nói ông đã biết nguồn gốc của mình. Ba của ông không phải ở bên nước ngoài như mẹ từng nói mà là ở Việt Nam ở Hải Hậu. Ông nghĩ ba của mình không biết hay không cần biết sự tồn tại của ông lại càng không có máu mủ ruột già gì ở bên ngoại, cũng không phải là đứa cháu mà bà ngoại hàng mong ước.  Ông chỉ là kết quả của cuộc tình cờ mẹ ông nhặt được ở bệnh viện khi ông quấy khóc, “ định mệnh của mẹ hay phúc phận của tôi”- ông nói. Mọi  lý giải bây giờ trở nên vô nghĩa, sự thật như tảng đá suốt 18 năm vẫn yên tĩnh, còn ông là một giọt nước bơ vơ tĩnh lặng dưới hồ, bị xoáy tung khỏi mặt hồ rơi trên không trung rồi bị ánh nắng của sự thật thiêu sống, phận đời trong phút chốc mỏng manh như cỏ dại! Ông đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, một ngày ông biết rằng ngay cả cái họ của mình đang mang cũng không phải là của mình. Ông còn biết mẹ ruột cũng ghé qua thăm ông vài lần, hôn lên những áo sơ sinh nhưng sau đó bà lại biệt tăm và không có ý định đưa ông đi. Ấy vậy bà không phải là chọn cách bán đi con trai của mình như những người phụ nữ đáng thương đáng trách trong bệnh viện mà là cầu xin tình thương người có thể cứu rỗi cuộc đời ông. Bà còn để lại bức thư là địa chỉ bố ruột và cọc tiền mẹ nuôi dành dụm, bấy giờ cuối cùng ông đã hiểu được hai chữ “nợ nghiệp”.  Sau đó ông lại quay về hiện thực ông nói với con mình rằng: “ Nếu khó khăn thì hãy về bên cha…” Sự luân phiên giữa thực tại và quá khứ lại tiếp tục lần nữa để cho ta biết được nguyên nhân mẹ nuôi ông tự vẫn từ chú Hà lúc say rượu đã nói. Đó là vì mẹ nuôi không chịu được miệng đời, người đời mắng chửi mẹ là người đàn bà trắc nết, kể bám vào đàn ông để có được vị trí tốt nhất ở chợ mà buôn bán, có của ăn của để để nuôi con nhà người. Nó lại càng hợp lý hơn khi họ bắt gặp chú Hà và mẹ đang nói chuyện trong nhà chú- một ngôi nhà vách lá không che nổi lời thì thầm đêm tối, lời đồn càng được thêu dệt, truyền tay nhau mà không đến tai ông, đến bây giờ mới nghe từ chú Hà. Mọi sự thật cứ tiếp nối, nhưng bây giờ biết thì đã làm gì? Khi mẹ cũng đã ngủ yên dưới sâu ba tấc đất. Người xóm khơi, bà ngoại, Chú Hà hay có bao nhiêu lời thú tội, nhận lỗi, thương tiếc thì mẹ cũng không quay lại được nữa. Ông nhấc chén rượu uống, lần đầu uống nó có vị cay cũng là lần đầu thấy người đau đớn uống. Ông im lặng bình tĩnh nhìn con người đang uống say ấy, giờ đây chú Hà như một đứa trẻ, còn ông là một người già, lòng rơi như đá,  lắng nghe hay phán tội hoặc sẻ chia. Ông không trách chú Hà mà là thương chú Hà, chú Hà nói mẹ yêu chú và chú cũng yêu mẹ nhưng chú hèn nhát không can đảm để vượt qua mọi định kiến để cưới mẹ, cho mẹ một danh phận. Ông thấy chú khóc, nhưng ông không có khóc. Bởi dù gì thì bà cũng đã yên nghỉ, bà cũng không cần phải nghe những lời đàm tiếu, không còn những gánh nặng oằn vai.  Rồi ông lại muốn như ngày xưa, bà ngoại không thương, lo bằng các anh chị khác cũng được, chỉ cần được thấy mẹ ông còn sống là được rồi. Quay lại hiện tại kể với con mình về việc mình tự buộc đá lội xuống sông tranh, khi mở mắt nhìn bầu trời lần cuối chỉ có một màu nước bạc, nước ập vào mặt ông rồi chấp chới lại thấy bóng dáng mẹ của ông thướt tha mờ ảo như một nàng tiên. Lúc đấy ông đã cố ngoi lên để nhìn rõ hơn nhưng bị sức nặng của đá ghìm lại, ông cố vật với nó để có thể nhìn bà được rõ hơn, nghe giọng bà vang vọng: “ Minh ơi, ngoan lại đây, mẹ đây”. Đó là cách mẹ của ông động viên ông trong những lần lẫm chẫm đi và vấp ngã, bà bao giờ cũng muốn ông tự đứng lên, không được khóc và chỉ cần đi thêm vài bước là có thể ngã vào lòng bà. Rồi ông ngoi lên được mặt nước, ấy rồi bà ngoại của ông đến trách móc: “ mày làm thế mẹ mày có vui không?” làm ông biết mình phải sống. Sau lần suýt chết ông bắt đầu theo chú Hà làm mộc rồi thi lại. Chú Hà đã lo cho ông bởi chú Hà muốn thực hiện ước nguyện của mẹ là ông được ăn học đàng hoàng. Trời không phụ người có chí, ông đã thực hiện được ước mơ của mình là làm bác sĩ cứu người. Và có lần chú Hà đã hỏi ông có muốn về Hải Hậu hay không? chú sẽ đi cùng, nhưng ông kiên quyết không, bởi đó là một vùng đất xa lạ không cần biến cái vùng đất xa lạ ấy trở thành vùng ký ức đau xót của chính mình. “Ngày nào đó con đến đấy, hãy thay cha ngắm nhìn cha biết con sẽ đi được rất xa” -Ông viết cho con trong những đêm thức ở bệnh viện, con trai ông vừa chào đời. Ông biết rằng ký ức có lúc muốn được tẩy trắng nhưng rồi ông nhận ra đó chính là cội nguồn, nơi nuôi lớn ông, nơi mà ông được bắt đầu. Để được tái sinh, đoạn đời nào trong hành trình của một người đều quý giá. Cuối cùng ông muốn con mình Trở thành người hạnh phúc vì cuộc đời cho chúng ta chỉ một lần được sống. 

  V.          Đánh giá lại (Review):

Trước hết lòng tôi đã xao động ngay những lời cô Quyên tâm sự: “Cuộc đời mà chúng ta cưu mang, đẹp đẽ kỳ diệu mà cũng đớn đau, cô đơn. Như cỏ. Tôi chọn viết – là để được chạm đến những thân phận và soi chiếu đời mình, đời người bằng tình yêu thương và mọi giá trị cứu rỗi. Viết là để trao đi niềm tin và mộng ước lớn, rằng chúng ta rồi sẽ luôn tìm thấy hạnh phúc lấp lánh từng ngày – giữa mong manh vĩnh hằng…” . Có cùng một chủ đề “Cỏ” nhưng khác hẳn cách kể đầy ma mị, ám ảnh của 2 tiểu thuyết đã xuất bản là “Cỏ đồi Phương Đông” và “Cỏ lau vạn dặm”, những trang viết của cô trong “Cỏ dại thênh thang” gợi đến người đọc nhiều trăn trở, suy nghĩ về kiếp người qua lối kể dịu dàng và nhẹ nhàng hơn. Thật ra để mà nói, tôi là một người khá vội vàng hoặc cũng có thể là lười nên 1 cuốn sách hay 1 tác phẩm cũng không thể khơi dậy nổi một chút hứng thú. Nhưng khi tôi được giáo dục bởi một người cô dạy văn, trong tôi như được sống dậy một thú vui tao nhã là tìm về với văn chương thực sự. Và có thể coi “ cỏ dại thênh thang” là mở đầu đầy phấn khởi của tôi. Khác với những văn chương thời ô mai, tình yêu lứa đôi lâm li bi đát, phúc tạp và có sự cẩu huyết, truyện ngắn này đơn giản nhưng lại làm thay đổi nhận thức của tôi về khái niệm “ yêu thương”. Không cần phải có một quá trình phức tạp, không cần có song hành nguyên nhân- kết quả mà tình yêu thương nơi đâu cũng có, một sự tình cờ mà cứu rỗi một đứa trẻ bị bỏ rơi có cuộc đời tươi sáng, chỉ có thể giải thích về sự bắt đầu đó bằng hai chữ “ định mệnh” hay đối với đứa trẻ là: “ phúc phần”. Nhưng có lẽ đỉnh cao của tình yêu thương là sự hy sinh cao thượng. Ví dụ ở mẹ Minh thay đổi cuộc đời của Minh vốn sẽ khốn khổ để thành một bác sĩ giỏi giang  thì cái “ giá” là mất đi tuổi thanh xuân thậm chí mất đi quyền có được tình yêu nam nữ để rồi người con trai bà yêu không vượt qua định kiến mà cưới bà và kết quả là một cái chết giải thoát? Suốt một cuộc đời gồng gánh nuôi con nhà người để đổi lại được gì? Bấy lâu nay tôi luôn quan điểm cho đi yêu thương dù ít hay nhiều, ta và người được cho cũng sẽ hạnh phúc, còn có thể nhận được đáp ơn. Không nghĩ tới, một khía cạnh nào đó là sự hy sinh sau nó là sự trả giá mà không chắc người nhận được ấy có thành công hay không vì sau cái chết của Mẹ thì Minh cũng có ý định tự sát đấy thôi, vẫn may ông đã kịp thời thức tỉnh mà bước tiếp cuộc đời. Tôi thấy đây giống như một canh bạc không công bằng, đặt cược cả cuộc đời vẫn không chắc chắn là quyết định ấy có thành công hay không? Yêu thương từ trước tới nay là phẩm chất, là nhân cách mà mỗi con người đều phải có để cuộc sống có thể dễ thở và mối quan hệ giữa người với người thêm gần nhau hơn. Tôi viết như này không phải khuyên hay thao túng hay truyền đạt ý nghĩa tiêu cực gì của tình thương mà muốn các bạn giống tôi, biết được cái nhìn sâu rộng hơn về “ tình thương”.  Ngoài ra, tôi rất tiếc cho cuộc tình không kết quả của chú Hà và Mẹ Minh, chỉ vì xã hội thời bây giờ quá bất công với phụ nữ, những lời đàm tiếu, bình phẩm về phụ nữ khiến cho họ “ khó thở”. Sức mạnh của những tục lệ tàn ác là sự ra đi của người bị bôi nhọ và để lại nỗi buồn vô tận cho người ở lại. Một điều tôi rất thích là cách tác giả xen lẫn giữa hiện thực và quá khứ. Mỗi một mốc thời gian trong quá khứ lại phát sinh ra những bài học cho hiện tại, qua những dòng nhắn của Minh dành cho con vừa mới ra đời của mình, cá nhân tôi cũng thấm nhuần và sẽ đi theo những lời đầy tính triết lý ấy. Cuối cùng tôi muốn nói đến đó là: “ nguồn cội”, con người ai cũng có nguồn gốc, ai cũng có nơi “ đi để trở về”, chúng ta không thể xóa bỏ hay lãng quên nó bởi như thế thì không khác gì là đang tự xóa sự tồn tại của bản thân. Biết ơn, tưởng nhớ, đền đáp là những gì chúng ta  có thể thực hiện và đối mặt với 2 chữ “ cội nguồn”.



 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam

Thuyết minh về chiếc bút bi lớp 8 ( lớp 9)

THUYẾT MINH PHONG NHA – KẺ BÀNG